
Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới thì bề dày về thời trang không đủ để so sánh nhưng có một điều thực tế là các người mẫu tây khi đến với Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu cao cấp hơn. Thay vì bon chen, cạnh tranh với những tên tuổi kỳ cựu và xuất sắc của các kinh đô thời trang thế giới như: Milan, NewYork, Paris… thì ở Việt Nam họ sẽ có cơ hội được làm việc với các thương hiệu lớn, các nhãn hàng lớn mà có lẽ nếu như ở quốc gia bản địa, có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến.

Bất đồng về ngôn ngữ có lẽ là khó khăn đầu tiên của những người mẫu Tây ở Việt Nam khi muốn trụ vững trên các sàn diễn thời trang. Bên cạnh đó, nếu không thông qua một công ty mẫu mà hành nghề “tự do” thì chuyện bị quỵt tiền cát xê hay bị ăn chặn tiền do những rào cản từ ngôn ngữ cũng từ đó mà ra. Việc sinh sống và làm việc ở nơi đất khách quê người không phải là điều dễ dàng như những gì họ vẫn nghĩ.

Công việc người mẫu có thể đem đến cho nhiều người cuộc sống đáng mơ ước nhưng không phải, người mẫu Tây nào cũng đạt được thành công trên mảnh đất Việt.
Do chi phí thuê một chân dài ngoại quốc chụp ảnh hay quay quảng cáo tương đối cao so với mẫu Việt Nam nên không phải hãng nào cũng chịu được mức phí này. Thông thường, chỉ có các nhãn hàng lớn, cao cấp mới thuê mẫu Tây. Vì vậy, với việc không có show diễn thường xuyên, cùng việc phải chi trả chi phí cho phiên dịch, di chuyển, tiền thuê nhà, trang trải cuộc sống, cũng trở thành những khó khăn để họ bám trụ trong làng thời trang Việt.

Tóm lại, làng thời trang Việt có phải là mảnh đất màu mỡ cho những người mẫu Tây hay không thì chỉ có người trong cuộc mới rõ. Thế nhưng, những cơ hội rõ ràng cũng như có thể phát triển bản thân mình trên sàn diễn, nhiều người mẫu Tây vẫn chấp nhận đối mặt với những khó khăn và rủi ro kể trên