Stylist không có nghĩa là sao chép
Nhìn chung nghề stylist (tên tiếng Việt: chuyên viên tạo phong cách) ở nước ta còn tự phát, không bài bản nên chưa có tính chuyên nghiệp cao, nhất là các stylist làm trong lĩnh vực thời trang trên báo, tạp chí. Do không được đào tạo nên nhiều người đánh đồng việc sao chép hình ảnh từ báo chí nước ngoài là công việc của stylist. Thậm chí nhiều người còn nhầm lẫn stylist (chuyên viên tạo phong cách) và fashion journalist (phóng viên thời trang) là một. Trong khi hai nghề này đều có vai trò riêng, quan trọng không kém nhau. Một stylist có thể vừa làm công việc của fashion journalist nhưng cũng có thể không, và ngược lại, không phải bất kỳ fashion journalist nào cũng có đủ tố chất để làm stylist. Để có được những tấm hình đẹp, cả hai phải hỗ trợ, hợp tác với nhau. Phần lớn ý tưởng cho buổi chụp cũng như cách kết hợp trang phục đều do stylist quyết định, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ phía fashion journalist trong việc tìm kiếm trang phục thì người stylist sẽ vất vả hơn. Do mỗi người có gu thẩm mỹ riêng nên khi stylist làm việc cùng phóng viên thời trang cũng không khỏi có những mâu thuẫn, tranh luận nho nhỏ về nghề. Tuy nhiên để tìm được tiếng nói chung, người phóng viên thời trang phải luôn tôn trọng ý kiến từ stylist, và học hỏi ngay khi cùng làm việc. Và một stylist giỏi cũng không nên quá áp đặt ý tưởng của mình cho người khác, phải khích lệ phóng viên cùng góp ý, đưa ra ý tưởng trong khi chụp hình.
Thu nhập cao
Với nhiệm vụ đem lại những cái nhìn mới cho “sản phẩm” mà mình tạo phong cách, đây thực sự là một trong những nghề chứng tỏ tính sáng tạo, sự năng động, hiểu biết và trí tuệ. Hà Millard - một stylist có tên tuổi của tạp chí Phong Cách – cho biết: “Tôi thích đeo đuổi nghề stylist vì được thỏa sức thể hiện tính sáng tạo, chính là thể hiện bản thân”. Một số bạn trẻ không giấu giếm ước mơ muốn trở thành stylist vì muốn nổi tiếng và thu nhập cao. Bởi nếu được làm stylist cho những bộ hình của các tạp chí lớn, họ sẽ nổi tiếng trong ngành rất nhanh chóng. Đặc biệt, do tính chất của nghề luôn làm việc với giới thời trang, người mẫu, giới giải trí... các bạn trẻ rất có điều kiện mở rộng quan hệ với những hoạt động xã hội sôi nổi, nhiều màu sắc. Mặt khác đây cũng là một ngành nghề mới mẻ, nhiều tiềm năng và chưa nhiều sự cạnh tranh bởi lượng stylist chuyên nghiệp hoạt động trong ngành còn ít ỏi. Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề stylist ở Việt Nam sẽ phát triển và chuyên nghiệp trong một vài năm tới. Tạo dựng phong cách là một nghề cần thiết cho nhiều đối tượng, không chỉ đối với lĩnh vực thời trang trên báo, tạp chí, mà còn có thể tạo dựng phong cách cho nghệ sĩ, doanh nhân, và cả người bình thường.
Điều cơ bản và cần thiết nhất khi làm nghề này chính là khiếu thẩm mỹ và kiến thức về thời trang. Tuy nhiên không phải ai có khiếu thẩm mỹ, thậm chí ngay cả những người đã học, làm trong lĩnh vực thời trang cũng có thể thành stylist. Stylist đòi hỏi sự sáng tạo, am hiểu về thời trang, phải biết quan sát, nếu làm stylist ảnh thì ngoài những điều kiện trên còn phải có kiến thức về bố cục hình ảnh, ánh sáng, trang điểm, biết tạo dáng cho người mẫu.
Stylist thường hoạt động độc lập, ít người tạo dựng được một ê-kíp nên để thực hiện một buổi chụp hình, nhiều khi stylist phải kiêm thêm việc tìm, dựng đạo cụ. Việc tìm trang phục phù hợp cũng không dễ dàng. Hiện chỉ có một số hãng thời trang lớn cung cấp trang phục cho stylist chụp ảnh, nhưng họ không có những bộ trang phục mẫu chuyên dùng để chụp ảnh nên nếu chẳng may bị hư hỏng, stylist sẽ là người phải chịu trách nhiệm và đền tiền.
Stylist thời trang thường làm việc cùng người chụp hình, trang điểm, làm tóc, nguời mẫu, các cửa hàng thời trang nên rất cần sự hỗ trợ cũng từ những người này, cần nhất là sự hỗ trợ của các hãng thời trang. Nếu các hãng thời trang có sẵn trang phục chuyên phục vụ cho việc chụp hình, người stylist không phải lo lắng trong việc giữ đồ nguyên vẹn, không trầy xước..., họ sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra những ý tưởng táo bạo.